Quy Trình Để Hoàn Thành Một Dự Án Xây Dựng ?
29/02/2024Để hoàn thành một dự án xây dựng cần đề ra và thực hiện theo một quy trình chặt chẽ. Quy trình hoàn thiện một dự án xây dựng thường bao gồm nhiều bước, từ lập kế hoạch đến triển khai và bảo trì. Các bước này diễn ra chặt chẽ và có liên kết với nhau. Chủ đầu tư chính là người cần phải nắm rõ quy trình này nhất. Như vậy mới có thể quản lý các khoản chi phí phải chi tiêu cho dự án. Vậy thì Quy Trình Để Hoàn Thành Một Dự Án Xây Dựng gồm những bước như thế nào? Hãy cùng Koshi đi tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Bước 1 – Xác định nhu cầu và mục tiêu
Xác định nhu cầu bằng cách tìm hiểu xem khách hàng hoặc chủ đầu tư muốn gì từ dự án? là một tòa nhà thương mại, nhà ở hay là một cơ sở hạ tầng?. Bên cạnh đó cũng đánh giá luôn môi trường xung quanh, yếu tố khí hậu, địa hình và các yếu tố khác của nơi xây dự án như diện tích, loại công trình là lớn hay nhỏ, có thực sự phù hợp với nhu cầu địa phương.
Cũng cần xác định mục tiêu của dự án như hoàn thành vào một ngày cụ thể nào đó hoặc đạt mục tiêu về mức độ xanh hay giảm thiểu rủi ro. Xác định xem nguồn ngân sách có phù hợp với mục tiêu hay không, phân bố thế nào cho hợp lý. Ngoài ra, đặt mục tiêu về chất lượng cũng là 1 yếu tố quan trọng.
Bước 2 – Lập kế hoạch
Hãy xây dựng kế hoạch dự án với các giai đoạn cụ thể. Với một khung timeline sẽ giúp dự án được quản lý chặt chẽ, kết nối các bộ phận, giai đoạn của dự án với nhau.
Trong bước này cũng cần xác định nguồn lực cụ thể và thống kê ngân sách, và tính toán thời gian cần thiết để hoàn thành dự án.
Ngoài ra hãy xác định rõ ràng tổng mức đầu tư bao gồm các chi phí sau:
- Chi phí trực tiếp xây dựng công trình gồm: vật tư, nhân công và máy thi công
- Chi phí thiết bị gồm: các loại máy phục vụ như thang máy, máy điều hòa – thông gió, âm thanh, ánh sáng, máy phát. Các thiết bị nội thất như tủ, bàn ghế, giường, thiết bị vệ sinh, xử lý nước thải …..
- Chi phí quản lý dự án: là chi phí cần thiết để tổ chức thực hiện các công việc quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án. Kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng
- Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng: tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thí nghiệm, thẩm tra, …..
- Chi phí khác gồm: chi phí dự phòng cho khối lượng phát sinh và trượt giá, chi phí an toàn lao động và bảo vệ môi trường, chi phí hoàn trả hạ tầng kỹ thuật …..
Bước 3 – Làm các thủ tục về xin phép đầu tư và xin phép xây dựng.
Xây dựng nhà công trình thuộc quyền quản lý của nhà nước. Vì vậy để được phép xây dựng, bạn cần phải xin giấy phép xây dựng.
Giấy phép xây dựng là gì?
Giấy phép xây dựng: Là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư/ chủ nhà để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình hoặc nhà ở.
Giấy phép xây dựng tạm: Là giấy phép được cấp để xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong thời hạn nhất định theo thời hạn thực hiện quy hoạch xây dựng.
Khi nào cần phải xin phép xây dựng?
- Xây dựng mới nhà ở riêng lẻ tại đô thị hoặc nhà ở riêng lẻ tại nông thôn.
- Sửa chữa, cải tạo nhà ở đang tồn tại có thay đổi về kiến trúc các mặt đứng. Thay đổi kết cấu chịu lực, thay đổi quy mô công trình và công năng sử dụng.
Qui trình xin phép xây dựng như thế nào?
- Qui trình xin phép xây dựng gồm:
- Lập hồ sơ xin phép xây dựng
- Nộp hồ sơ tại cơ quan cấp phép xây dựng
- Cơ quan cấp phép xây dựng kiểm tra hồ sơ
- Hồ sơ hợp lệ: Cơ quan cấp phép xây dựng ghi biên nhận và hẹn ngày khảo sát
- Hồ sơ chưa hợp lệ: Cơ quan cấp phép xây dựng hướng dẫn bổ sung hồ sơ, thực hiện lại B1.
- Cơ quan cấp phép xây dựng đóng dấu bản vẽ và cấp giấy phép xây dựng.
- Trước khi khởi công xây dựng 7 ngày, Chủ nhà gửi thông báo ngày khởi công đến cơ quan cấp phép và UBND cấp phường/xã
Bước 4 – Thiết kế chi tiết kỹ thuật thi công và chào thầu
Thiết kế kỹ thuật:
Sẽ cụ thể hóa thiết kế cơ sở sau khi dự án xây dựng công trình được phê duyệt. Thiết kế này sẽ thể hiện đầy đủ các giải pháp, thông số kỹ thuật và vật liệu sử dụng phù hợp. Cụ thể là phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng. Thiết kế kỹ thuật là cơ sở để triển khai thiết kế bản vẽ thi công.
Thiết kế bản vẽ thi công:
Là hồ sơ bản vẽ chi tiết nhất, thể hiện đầy đủ các thông tin đảm bảo việc thi công. Được chính xác và phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật. Đảm bảo được điều kiện triển khai thi công công trình xây dựng
Chào thầu:
Thông qua đấu thầu, chủ đầu tư sẽ lựa chọn được các nhà thầu có khả năng đáp ứng được tốt nhất các yêu cầu kinh tế, kỹ thuật, tiến độ đặt ra của công trình. Trên cơ sở đó giúp cho chủ đầu tư vừa sử dụng hiệu quả, tiết kiệm vốn đầu tư. Đồng thời vẫn đảm bảo được chất lượng cũng như tiến độ của dự án xây dựng.
Bước 5 – Tổ chức và quản lý dự án
Để có thể vận hành dự án cần có một đội ngũ quản lý dự án được xây dựng bài bản và chuyên nghiệp được phân công nhiệm vụ và trách nghiệm rõ ràng. Koshi tự tin là một trong những doanh nghiệp có đội ngũ quản lý dự án xuất sắc và tận tậm nhất.
Bước 6 – Mua sắm và chuẩn bị vật liệu, thiết bị thi công
Lập danh sách vật liệu cần thiết.
Thực hiện quy trình mua sắm và chọn nhà cung cấp.
Bước 7 – Xây dựng, thi công
Công đoạn chuẩn bị mặt bằng xây dựng
Nếu vị trí cần xây dựng là đất trống thì việc chuẩn bị mặt bằng sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Nhưng nếu mặt bằng hiện trạng có nhà hoặc công trình cũ thì cần phải phá dỡ. Và tất nhiên bước đầu tiên khi phá dỡ chính là khảo sát địa hình lên phướng án thi công phá dỡ nhà cũ. Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết nộp cho cơ quan chức năng. Tập kết máy móc, thiết bị, tiến hành phá dỡ, thu gom phế liệu có thể tái sử dụng. Cuối cùng là hút hầm cầu và dọn dẹp phế thải.
Công đoạn xây thô
Thi công phần thô là công đoạn quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thi công. Các yêu cầu kỹ thuật được quy định trực tiếp trong bản vẽ thiết kế. Các kỹ sư có trách nhiệm giám sát thi công đúng với bản vẽ đã được kiến trúc sư và gia chủ thông qua trước đó. Gồm các giai đoạn cụ thể như sau:
Đào móng, xử lý nền, thi công cốt pha, cốt thép, đổ bê tông móng, xây công trình ngầm như: bể tự hoại, hố ga, bể nước, ….
Thi công cốt pha, cốt thép, đổ bê tông bản cầu thang, đà giằng, đà kiềng, dầm, cột, sàn… tất cả các tầng, sân thượng và mái theo thiết kế. Thi công mái loại mái tôn, ngói hay mái bê tông để có qui trình và thời gian thi công khác nhau.
Xây gạch và tô trát hoàn thiện tất cả các tường bao che. Tường ngăn phòng, hộp gen kỹ thuật, bậc tam cấp, bậc cầu thang bằng gạch ống.
Lắp đặt hệ thống ống âm của cấp thoát nước, điện cấp nguồn, chiếu sáng, điều hòa , điện thoại, internet, truyền hình,……
Thi công chống thấm sê nô, WC, sân thượng, bể ngầm,….. Riêng phần chống thấm tường có thể kết hợp trong việc trộn hóa chất vào vữa xây.
Công đoạn hoàn thiện
Những công việc sẽ được thực hiện trong công đoạn hoàn thiện là sản phẩm cuối cùng của quá trình xây dựng công trình. Nên công đoạn này chất lượng được ưu tiên hàng đầu. Công đoạn này bao gồm:
Ốp lát gạch hoặc đá: cần chú ý đến độ bằng phẳng sau khi lát. Mạch gạch và sự ngay hàng thẳng lối của những viên gạch. Là điều bạn dễ quan sát được nên dù sai sót nhỏ cũng sẽ làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp tổng thể của công trình.
Lắp đặt trần: ngày nay sự đa dạng về vật liệu làm trần tạo nên nhiều hình dáng và hiệu ứng khác nhau phù hợp với sở thích của chủ nhà.
Lắp cửa đi, cửa sổ, lan can, vách ngăn: với nhiều chủng loại và phong cách khác nhau. Nhưng vẫn đảm bảo vừa có chức năng bảo đảm an toàn an ninh vừa mang lại điểm nhấn cho công trình.
Lắp đặt điện, nước và các hệ thống kỹ thuật: Các thiết bị vệ sinh, thiết bị đầu cuối của hệ thống điện và hệ thống nước điều được lắp đặt trong khâu hoàn thiện.
Sơn nước nội ngoại thất: Giai đoạn yêu cầu cao về sự tỉ mỉ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm mỹ của ngôi nhà. Cần tìm đúng loại sơn và màu sắc đã được chỉ định trong bản vẽ để đạt đầy đủ hiệu ứng theo thiết kế.
Lắp đặt nội thất (nếu có): Dựa trên thiết kế nội thất với sự phân bố, lựa chọn nội thất phù hợp, màu sắc hài hòa, kích thước tương xứng, thông thường nội thất đã được gia công sẵn tại xưởng và lúc này chỉ lắp đặt vào vị trí.
Bước 8 – Kiểm tra và nghiệm thu
Nghiệm thu là bước so sánh – đối chiếu giữa bản vẽ thiết kế và thực tế thi công giữa chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công sau khi hoàn thành giai đoạn xây dựng. Kiểm tra chất lượng công trình và kiểm tra theo yêu cầu. Thực hiện nghiệm thu và kiểm tra hoạt động của các hệ thống.
Bước 9 – Bàn giao và đưa vào sử dụng
Bàn giao công trình cho chủ đầu tư. Hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình đưa hệ thống vào sử dụng.
Bước 10 – Bảo trì và hỗ trợ
Thực hiện bảo trì định kỳ và bảo dưỡng. Hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình sử dụng và giải quyết vấn đề.
Bước 11 – Đánh giá dự án
Tổ chức buổi họp để đánh giá kết quả của dự án. Rút kinh nghiệm và ghi lại bài học học từ dự án.
Đó là 11 bước Quy Trình Để Hoàn Thành Một Dự Án Xây Dựng. Quy trình trên có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào loại dự án và yêu cầu cụ thể của từng dự án xây dựng. Quan trọng nhất là duy trì sự linh hoạt và tương tác giữa các bước để đảm bảo hiệu quả và chất lượng cao cho dự án.
Nguồn: tổng hợp.